You are currently viewing Ghét một người thì phải làm sao để chuyển hóa?

Ghét một người thì phải làm sao để chuyển hóa?

Ghét một người thì phải làm sao? Cách đối xử với người mình ghét như thế nào? Khối cảm xúc này cần xử lý ra sao? Sự ghét bỏ, hay khó chịu đối với một người xuất phát từ những va chạm về quan điểm sống. Cách phản ứng của người này dành cho người kia khiến cho đôi bên không hài lòng lẫn nhau. 

Đừng bỏ qua các bài viết cần thiết này:

Trên đường đời, chúng ta có lẽ đã một vài lần gặp phải cảm xúc ghét bỏ một người. Ở mỗi độ tuổi, mỗi mức độ trưởng thành trong tâm hồn, ta sẽ có những phản ứng khác nhau. Có thể là đáp trả, thù hằn, cũng có thể là ngó lơ và cắt đứt quan hệ… Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ trở nên khó khăn và khó giải quyết hơn nếu đó là một mối quan hệ không-dứt-bỏ-được. Chúng ta cần có một phản ứng khác nữa đó là “chấp nhận”.

Hãy dành thời gian suy ngẫm: Chúng ta không thể chỉ gặp những người cùng quan điểm 

Nếu chúng ta chỉ gặp những người cùng quan điểm, những người có tần số gần với ta, có lẽ đó là một cuộc sống khá dễ thở. Nhưng đó lại không phải lẽ thường tình.

Chung-ta-khong-the-chi-gap-nhung-nguoi-minh-thich

Ngẫm lại, phải chăng, gặp những người mình ghét kia là bài học từ dễ đến khó mà chúng ta phải trải qua trên quãng đường đời này. Để rồi ai hóa giải được là “qua môn”. Còn không thì cảm xúc khó chịu đó sẽ bám theo dằn vặt và dày vò chúng ta cả cuộc đời?. 

Nếu bạn đang trải qua cảm xúc này, và đang tìm lối thoát, Jenny vô cùng chia sẻ với bạn. Chắc hẳn, quãng thời gian này thật khó khăn khi phải loay hoay trong mớ cảm xúc tiêu cực ấy.

Ghét một người thì phải làm sao để chuyển hóa cảm xúc 

Dưới đây, mình sẽ chia sẻ lại một số thông tin mình tìm hiểu được trong quá trình xử lý cảm xúc của chính mình. Đây là trải nghiệm cá nhân, bởi vậy, khó mà khẳng định được tác dụng của chúng là bao nhiêu phần với mọi người. Nhưng, mình vẫn hy vọng rằng chúng sẽ có một phần tác động tích cực nào đó.  

#1. Hãy tìm con đường tư duy – Hệ tư tưởng đúng đắn  

Đây là một quá trình trừu tượng, cụ thể, “hệ tư tưởng” là hệ thống những đường lối tư duy của mỗi chúng ta. Tư tưởng là định hướng suy nghĩ của cá nhân. Điều này rất quan trọng.  

Đối với mình thì đó là Đạo Phật và những bài học tinh thần, những tư tưởng tích cực hướng thượng.

Tim-he-tu-tuong-dung-dan-de-thoat-khoi-cam-giac-ghet-mot-nguoi 

Dù không đóng khung mình trong những nguyên tắc hay giới luật, nhưng chúng ta nên có cho riêng mình hệ tư tưởng đúng đắn. Hướng thượng, sự bao dung, tình yêu thương chắc chắn sẽ giúp bạn hóa giải được những cảm xúc tiêu cực. Thay vì khắt khe yêu cầu sự thay đổi của người khác.  

Tìm được một hệ tư tưởng dẫn dắt sẽ giúp bạn dễ dàng quyết định cách phản ứng trong mọi vấn đề. Và nếu đã tìm được rồi, thì hãy tìm hiểu kỹ, chắt lọc những thông tin phù hợp. Đưa chúng vào thực tiễn.

Mọi lý thuyết đều trở nên vô nghĩa nếu không có sự thực hành.

Hãy quan sát cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Tích cực hơn hay tiêu cực đi, từ đó mà chọn lọc và điều chỉnh. Không có một khuôn mẫu, đừng quên chúng ta có quyền điều chỉnh.

#2. Tìm hiểu nguyên nhân tại sao chúng ta tức giận hay ghét một người để chuyển hóa chúng

Sự tức giận và ghét bỏ một ai đó là kết quả của một chuỗi hành động khiến chúng ta cảm thấy khó chịu hoặc đe dọa lợi ích bản thân.

Tuy nhiên, việc tìm nguyên nhân này không phải để đổ lỗi. Mà để hóa giải chúng.

Hóa giải được rồi thì người hưởng lợi đầu tiên chính là ta. Tâm ta không còn bị đè nén, chính ta đang được giải phóng. Ta đang tiến tới tự do trong tâm hồn. 

Khi ta tức giận với một người, hãy nhận diện và chấp nhận cảm xúc đó

Tức giận, khó chịu hay thậm chí ghét bỏ một người là điều rất bình thường. Bạn không cần thiết phải đánh giá bản thân là sai hay đúng.

Dù biết rằng rất khó nhưng bạn hãy tập “ngừng đánh giá hay phán xét”. Việc tự đánh giá mình, hay đối phương chỉ cản bước và đem lại cho bạn một khối cảm xúc tiêu cực.

Hãy xem xét rằng, phải chăng sự tức giận này là do ta chưa chấp nhận được sự khác biệt trong cuộc sống?

Phải chăng, ta muốn mọi thứ và mọi người phải theo ý mình? Ta thấy “cái tôi”, lợi ích của ta bị đe dọa…

Nếu vậy, phải chăng chính “Ta” đang là vấn đề chứ không phải “Họ”? Vậy hãy tìm cách để chuyển hóa tâm ta.  

Sau khi bị dày vò trong một số mối quan hệ khá tiêu cực mà không tài nào thoát ra được. Phải chăng, chúng ta cần xử lý và bước ra khỏi khối cảm xúc này. Bởi vốn dĩ, ta không thể thay đổi người khác và ngoại cảnh.

Vậy thấy được nguyên nhân ở ta rồi, thì làm thể nào để tự chuyển hóa?

Thật may mắn với một cơ duyên nào đó, mình đã chuyển hóa được phần nào khối cảm xúc nặng nề này. 

Cach-doi-xu-voi-nguoi-minh-ghet

Mình chọn nghe những bài pháp thoại của các sư thầy. Đặc biệt là các bài về chữa lành và hóa giải mối quan hệ. Lắng nghe những kênh youtube tích cực như Web 5 Ngày. Đọc những cuốn sách hay về tâm lý, những quy luật vũ trụ hay bài học cuộc sống… 

#3. Thiền để hóa giải và chuyển hóa sự ghét bỏ 

Một phần may mắn rằng, mình có blog và tìm hiểu được nhiều tài nguyên hay về tâm lý, tâm linh. Viết Blog khiến mình phải tìm, phải đọc những thứ hữu ích và hay ho hơn. Bởi mình ý thức được rằng, có nhiều người đọc và tìm được điều gì đó hay ho qua những bài viết của mình. Đôi khi nó là sự chia sẻ đồng cảm, đôi khi đó là sự xoa dịu và cũng đôi khi là giải pháp.  

Thien-de-chuyen-hoa-cam-xuc-ghet-mot-nguoi

Nhờ vậy mà mình được tìm hiểu về thiền và thực hành thiền. Giá trị của thiền không chỉ giới hạn ở sự tập trung. Với mình đó còn là sự chuyển hóa, xoa dịu tâm hồn, hiểu hơn về bản thân.  

Dù rằng không phải là một thiền sinh, mình chỉ đơn giản là người thực hành thiền và thích tìm hiểu về thiền. Nhưng mình cũng đã cảm nhận được rõ rệt tác động của thiền đến cuộc sống của mình.

Thiền giúp mình tập trung hơn. Tĩnh tâm và sống chậm lại. Cảm thấy nhẹ nhàng, dễ dàng đón nhận hơn. Nhận biết sự nóng giận và chuyển hóa chúng. Đặc biệt là hóa giải được nhưng cảm xúc tiêu cực, chán ghét đối với một ai đó, hoặc tình huống nào đó. Chắc chắn là không phải 100%. Nhưng đây có lẽ là món quà kỳ diệu nhất mà mình được nhận. Vô cùng cảm ơn vì điều đó.

Hy vọng thiền cũng sẽ giúp bạn chuyển hóa được các cảm xúc tiêu cực như mình!

#4. Hạn chế xung đột để hóa giải mối quan hệ – Cách đối xử với người mình ghét

Khi trải qua xung đột, chúng ta thường bị tổn thương bởi cảm xúc chứ không phải bởi vấn đề. Cách chúng ta phản ứng, đáp trả, hơn thua sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn.  

Phải chăng mọi cuộc xung đột đều có dây dưa gì đó với “cái tôi” – Tức những thứ gắn với từ “của tôi” (hay bản ngã).

(Bạn có thể xem thêm bài viết: Bản ngã là gì để hiểu thêm về cách bản ngã vận hành và đánh lừa chúng ta).

Nếu có thể hãy cho mình thời gian để chuyển hóa khối cảm xúc to đùng ấy, trước khi làm tình hình xấu đi.

Hãy hạn chế tiếp xúc với người đó cho đến khi bình tâm lại.

Mỗi người cần một thời gian chuyển hóa riêng. Bởi vậy, hãy cho bản thân thời gian để nhìn nhận, để chiêm nghiệm. Để bản thân hấp thụ những năng lượng tích cực, tươi đẹp hơn. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng chuyển hóa cảm xúc ghét một người. 

Thế giới đã quá thừa hận thù, hãy thêm gia vị yêu thương và trân trọng để cuộc sống nhẹ nhàng tươi mới hơn

Nếu đã trải qua mất mát, điều chúng ta thấy rõ nhất về cuộc sống đó là “sự vô thường”. Sau mất mát chỉ còn lại sự tiếc nuối và tiếc thương vô hạn. Phải chăng ta trò chuyện nhiều hơn, trao yêu thương nhiều hơn, trải qua nhiều giây phút vui vẻ ý nghĩa với nhau hơn. Liệu rằng nghìn năm sau có gặp lại? Tiếc gì một nụ cười, hay một chút yêu thương!

Anh-Nen-Wiki-Hanh-Phuc

Thế giới đã quá thừa hận thù, hãy thêm gia vị yêu thương và trân trọng để cuộc sống nhẹ nhàng tươi mới hơn

 

Đôi khi, không làm người khác tổn thương cũng là một dạng yêu thương rồi. Chúng ta không nhất thiết phải thắng trên sự đau khổ của người khác. Thay vào đó, hãy trồng hoa trong khu vườn nội tâm của mình. 

Trở lại với tiêu đề: “Ghét một người thì phải làm sao để chuyển hóa”. Hy vọng rằng, những gợi ý trên đây có thể gợi mở điều gì đó cho bạn. Cuộc sống nhiệm màu này đưa chúng ta đến với những trải nghiệm cá nhân khác nhau. Hóa giải sự ghét bỏ với một người cũng là một trong số đó. Rất mong bạn sẽ chuyển hóa được suy nghĩ và cảm xúc của mình để có tâm thế bình an, vững chãi giữa dòng đời. 

Nếu còn các gợi ý hay hơn, hãy góp ý giúp mình qua email wikihanhphuc@gmail.com. Mình sẽ bổ sung để thật nhiều thông tin hữu ích tới những người đang cần chúng. Cảm ơn bạn!

Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!

Thân ái,

Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com

Ủng hộ mình để mình tiếp tục làm những nội dung như này nhé!

Ma QR cua Jenny Pham

Đừng bỏ qua các bài viết cần thiết này: