Cân bằng cuộc sống là gì? Chúng ta cứ mải mê đi tìm những định nghĩa xa xôi, mang tính học thuật. Mà đôi khi quên mất rằng, những điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống lại rất khó giải nghĩa. Bài viết này dành cho tất cả những ai đang chơi vơi giữa dòng đời, đang mất cân bằng, đang lạc lõng và lạc lối. Bài viết này dành cho bạn – Bạn thân yêu của mình!
Hãy đọc thêm bài viết này nhé: >> Kiềm chế cảm xúc | Cách điều phục cảm xúc mạnh
[Podcast] Cách tìm điểm cân bằng trong cuộc sống – Wiki Hạnh Phúc
Đối với tất cả chúng ta, điểm cân bằng trong cuộc sống vô cùng quan trọng. Đó là một thứ rất gần, mà cũng rất xa. Giống như việc chúng ta đang đứng vững vàng, cân bằng trên đôi chân này – Như một sự thật hiển nhiên. Nhưng chỉ cần nghiêng ngả một chút, mất cân bằng một chút, chúng ta sẽ ngã. Vậy, cân bằng cuộc sống là gì?
Làm sao lấy được cần bằng khi thiếu chú tâm trong cuộc sống (Nguồn Youtube: @wikihanhphuc)
Cân bằng cuộc sống là gì?
Cân bằng cuộc sống là trạng thái cảm xúc quân bình, không bị xáo động. Trạng thái cảm xúc không cao quá cũng không thấp quá, mà nằm ở mức cân bằng, vừa đủ. Đây là trạng thái cảm xúc lành mạnh, bình yên, không vì tác động bởi công việc, gia đình và những người xung quanh mà làm cho cuộc sống trở nên rối rắm, u ám, căng thẳng, quá khích và mệt mỏi.
Đây dường như là một định nghĩa đi ngược lại một số định kiến của chúng ta về cuộc sống. Khi chúng ta luôn hướng đến cuộc sống là vui vẻ, tích cực. Phải chăng cuộc đời này bằng phẳng, thì ta có thể có thể dễ dàng duy trì được trạng thái vui vẻ đó. Nhưng cuộc đời là những nốt thăng, nốt trầm. Đôi khi, trầm lại nhiều hơn thăng. Vậy, để bước đi được vững chãi, bình an giữa đời, phải chăng điều chúng ta cần chính là sự “cân bằng cuộc sống“?
Khi sống ở trạng thái này, chúng ta cảm thấy an nhiên, hạnh phúc với những gì mình đang có.
Hiểu lầm về trạng thái cân bằng cuộc sống
Có một vài hiểu lầm về trạng thái cân bằng cuộc sống. Điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta buông xuôi, làm việc lưng chừng hay sống an phận một cách trung bình, hời hợt. Mà trạng thái này chỉ việc chúng ta giữ được tâm thế bình thường trong mọi biến động của cuộc sống. Chúng ta vẫn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, tận hưởng từng giây phút, làm việc hết mình, hoàn thiện mình và chấp nhận mọi kết quả với một tâm thế bình thường.
Đối với một người sống cảm xúc, thì đây dường như là một điều vô lý. Tuy nhiên, phải chăng chúng ta nên nhìn lại những gì đã qua?
Mỗi lần chúng ta trải qua một trạng thái cảm xúc “quá” so với mức bình thường. Đột nhiên, sau đó chúng ta bị hẫng, bị chơi vơi và lạc lõng giữa dòng đời. Ta có thể cảm thấy cô đơn, buồn chán dù ta vừa mới trải qua cảm xúc cực kỳ vui, cực kỳ phấn khích. Ta trở nên dễ vui, dễ buồn, dễ nóng giận. Ta bị trôi đi theo những cảm xúc buồn, vui, giận, hờn… Đây cũng là lúc chúng ta bị mất cân bằng và dễ hành động thiếu sáng suốt. Và cũng là lúc, ta dễ bị tổn thương nhất.
Lợi ích của cân bằng cuộc sống là gì?
Chúng ta thường biết đến tác hại của sự mất cân bằng cuộc sống như: Căng thẳng thần kinh kéo dài, mất tập trung, bất an, cáu bẳn, suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm sức khỏe…
Vậy thì ngược lại, cân bằng cuộc sống đem lại cho bạn sức khỏe thể chất và tinh thần. Phát huy năng lượng sáng tạo giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Cân bằng trong các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Hơn hết là cảm giác an lạc và hạnh phúc, tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Đạt được cân bằng cuộc sống, bạn sẽ sống trong trạng thái bình an, vững chãi trước mọi sóng gió.
Đạt được trạng thái cân bằng cuộc sống có khó không?
Có một điều chắc chắn rằng, đạt được và duy trì trạng thái cân bằng cuộc sống không hề dễ dàng. Ta cần phải trải qua quá trình luyện tập một cách nghiêm túc.
Đối với các vị cao tăng, các vị thiền sư đầy kinh nghiệm đôi khi vẫn còn bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Vậy nên, đối với người bình thường chúng ta, chỉ cần cố gắng duy trì trạng thái cân bằng trong một khoảng thời gian trong ngày đã là một thành công rồi.
Làm thế nào để đạt được trạng thái cân bằng trong cuộc sống?
Việc mất cân bằng là do chúng ta không làm chủ được tâm trí. Dẫn đến để bị ảnh hưởng bởi sự vận hành của thế giới bên ngoài. Chúng ta bị chao đảo mà đôi khi không biết hoặc không để ý tới. Chỉ đến khi kết quả hiển hiện ra bằng sức khỏe thể chất suy giảm, tâm trạng bị kích động, rối loạn thì mới giật mình nhận ra.
#1. Quay về với tự tâm để cân bằng cuộc sống
Điều quan trọng phải nhớ rằng, thứ duy nhất chúng ta có thể thay đổi là bản thân chúng ta. Chúng ta không thể thay đổi người khác hay ngoại cảnh theo ý mình.
Vì vậy, để đạt được trạng thái cân bằng trong cuộc sống, bạn cần trở về với chính mình, dành thời gian cho bản thân và sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta không thể tìm điểm cân bằng ở thế giới bên ngoài, mà phải trở về với Tự tâm – Tâm trí, suy nghĩ của chúng ta.
Mình đã thực sự thương mình chưa? (Nguồn: Youtube @wikihanhphuc)
Trở về với tự tâm để hiểu bản thân mình đang cần gì, yêu thương bản thân một cách trọn vẹn. Mình có một note mà cài đặt vào lịch, thỉnh thoảng sẽ gợi lại: “Chúng ta không thể chăm lo cho người khác nếu chúng ta không thể giúp chính mình “no bụng””. Có nghĩa rằng, chúng ta cần đầy năng lượng, yêu thương chính mình rồi thì mới có thể trao yêu thương cho người khác.
#2. Thường xuyên rèn luyện, thực hành Chánh niệm để cân bằng cuộc sống
Tập trung vào khoảnh khắc hiện tại (tức thực hành chánh niệm) sẽ giúp chặn đứng mọi dòng suy nghĩ. Bạn sẽ không còn thấy khổ sở và bị kéo vào những vùng tối nữa. Việc ý thức được tác động của các dòng suy nghĩ tiêu cực, sân hận, bực dọc sẽ tạo nên “một bức tường” bảo vệ bạn. Bạn sẽ tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy hạnh phúc, bình an trong cuộc sống.
(Xem thêm bài viết: Suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần để biết thêm chi tiết)
Ví dụ về chánh niệm rất thực tế của TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQGT kiêm TGĐ Công ty Thái Hà Books
#3. Tích cực tìm hiểu và phát triển chiều sâu nội lực
Rất nhiều người thành công và cực kỳ thành công ở ngoài kia tìm đến thiền, yoga và Đạo Phật. Không những ở nước ta, mà ở nước ngoài, thiền định (meditation) đã khẳng định được tác dụng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Đây là một gợi ý cho bạn.
Nội nâng tầm, ngoại bỏ bớt – Thầy Trần Việt Quân chia sẻ trong Bước Ngoặt Cuộc Đời
Ngoài ra, việc tích cực tìm hiểu, học hỏi kiến thức về phát triển tâm thức sẽ giúp bạn trau dồi nội lực. Đây là nền tảng cũng là đòn bẩy. Nhờ đó, bạn đủ tự tin để lãnh đạo, lèo lái con thuyền cuộc đời mình, cũng như giữ được sự cân bằng trong cuộc sống.
Kết luận về Cân bằng cuộc sống
Hãy nhớ rằng, phương pháp để đạt được cân bằng cuộc sống là rất nhiều. Tuy nhiên, cái gốc của nó phải dựa trên việc trở về với chính mình. Bồi dưỡng nội lực và thực hành chánh niệm. Điều này sẽ giúp bạn duy trì được trạng thái cân bằng bền vững và lâu dài hơn. Chúc bạn tìm thấy điểm cân bằng và bình an trong cuộc sống!
Wiki Hạnh Phúc mong rằng bài viết “Cân bằng cuộc sống là gì? Làm thế nào để tìm lại điểm cân bằng?” phần nào hữu ích với bạn.
Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!
Thân ái,
Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com
Xem thêm short hữu ích tại Channel: Wiki Hạnh Phúc . Rất vui khi có duyên được trò chuyện cùng bạn!
Ủng hộ mình để mình tiếp tục làm những nội dung như này nhé!