Bản ngã là gì? Chiết tự từ Bản Ngã trong chữ Hán sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của từ này. Dù có rất nhiều khía cạnh khi nhắc tới bản ngã. Tuy nhiên, nội dung bài viết này, Wiki Hạnh Phúc chỉ gửi tới các bạn phần chiết tự chữ Hán của từ này. Và mở rộng về “Bản ngã là gì trong Đạo Phật”. Mời các bạn cùng theo dõi!
📌 Hashtag: #Chiết tự
Xem thêm:
>> Bản ngã muốn bạn tin gì về Thiền?
>> Làm thế nào để nhìn thấy bản ngã để biết nó là gì?
Hiểu được bản ngã là gì, bạn sẽ hiểu thêm được một phạm trù sâu sắc về chủ đề: “Tôi là ai?”. Đây là một bài viết thực sự quan trọng. Mong rằng bạn có thể đặt các niềm tin sẵn có sang một bên. Chỉ cởi mở trải nghiệm một thứ gì đó khá mới mẻ trong bài này. Dù đã kiểm tra và chỉnh sửa lại nhiều lần, nhưng nếu còn sơ sót nào mong các bạn thông cảm.
Làm thế nào để nhìn thấy bản ngã để biết nó là gì?
I. Bản ngã trong chữ Hán là gì?
Bản ngã trong chữ Hán là 本我
Được cấu thành bởi chữ Bản (hay Bổn 本) và chữ Ngã (我).
1. Chiết tự chữ Hán của từ Bản Ngã 本我
A. Chiết tự chữ Bản 本
Bản (本) nghĩa là gốc, nguồn gốc, cội rễ, chính, chủ yếu. Bản (hay Bổn) còn sử dụng như đại từ có nghĩa là “của mình”. Ngoài ra, còn nhắc đến bản với nghĩa “tập sách vở”.
Chiết tự chữ Bản 本 như sau:
Vẽ hình cái cây (Mộc 木) rồi gạch ngang phía dưới một nét (一) để chỉ rằng đây là gốc cây. Gốc cũng là phần chính yếu, liên quan tới sự sống còn của cây. Như vậy, hình tượng này vừa hay chỉ rõ ý nghĩa của chữ Bản (本) là gốc, chính.
B. Chiết tự chữ Ngã 我
Ngã (我) là tôi, ta, cái tôi.
Chiết tự chữ Ngã 我 như sau:
Kéo chữ Qua (戈 – Cái mác, binh khí thời xưa) trong chữ Ngã 我 sang một bên, ta còn lại biến thể của chữ Thủ (扌: 手 – Tay, cái tay). Vậy ý nghĩa chữ là:
Tay (扌) cầm binh khí (戈) xông pha ngoài trận mạc hiểm nguy. Khi ấy “cái tôi” chân thực mới biểu lộ rõ ràng nhất. Vì khi phải đối đầu với sinh tử, thì con người thực sự trong ta mới biểu lộ ra rõ nhất. Người can đảm thì xông tới. Kẻ hèn nhát thì tháo lui.
2. Vậy Bản ngã là gì?
Như vậy, trực quan từ chiết tự các chữ Hán trên, thì:
Bản ngã 本我 có nghĩa là “chính tôi” hay “cái tôi”. Thứ này có tính phân biệt với những cá nhân khác.
Tuy nhiên, bản ngã được nói đến rất sâu như một phạm trù triết học. Bởi, chúng tác động rất nhiều đến tâm lý và hành động của chúng ta. Và trong các học thuyết đó, thì dường như Đạo Phật diễn giải từ này rõ ràng, chi tiết nhất.
II. Bản Ngã là gì trong Đạo Phật?
1. Hiểu lầm thường thấy về bản ngã
Thông thường, Bản ngã là một ý tưởng, niềm tin, hoặc một quan niệm rằng:
“Bản thân là một cá thể riêng biệt và tách biệt với phần còn lại của thế giới. Sẽ tự chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.” Là một thể tính trường tồn (長存 – Tồn tại mãi). Không bị ảnh hưởng của tụ tán, sinh tử.”
Tuy nhiên, Đạo Phật không công nhận sự hiện diện của một ngã như thế.
Trong triết lý nhà Phật, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý thì không có một chủ thể gì được gọi là độc lập, thường còn. Mọi sự trên thế gian này đều là vô thường (無 常).
Con người vì hiểu nhầm mà cứ phát triển “cái tôi” đó lớn lên. Từ đó tạo ra sự khẳng định mình và khẳng định cái tôi của mình. Một khi cái tôi càng lớn thì càng gây nhiều khổ đau và sai lầm.
2. Ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người” chính là Vô minh
Ý nghĩ cho rằng có “ta”, có “người” . Tức là “ta”, “người”, sự vật trên thế gian này là những đơn vị độc lập, không phụ thuộc vào nhau. Đây chính là hiểu lầm thứ hai. Đạo Phật cho rằng ý nghĩ này là Vô minh.
Các ý nghĩa trên phát sinh ra các suy nghĩ và hành động phân biệt. Dần dần, “cái tôi” này khắc sâu vào tâm thức. Và những ý nghĩ khác như: “ta yêu cái này, ta ghét cái nọ; cái này của ta, cái kia của người” bắt đầu nảy nở. Trùng trùng điệp điệp. Rồi sau đó là phân biệt đẳng cấp, lợi ích cứ ùn ùn kéo nhau tới. Lâu dần con người coi đó là lập luận truyền thống, là điều hiển nhiên.
Những thứ này có tác động ngược lại với “ta”. Nhờ vậy, cái “ta” này cai trị tâm linh của con người.
Cái “ta” này cai trị tâm linh của con người
Thật nguy hiểm! Nó sẵn sàng tấn công tất cả những gì mà nó cảm thấy bị đe dọa. Thèm khát những gì giúp nó gia tăng quyền lực. Thù hận, tham khát và xa rời chân tính. Phát sinh những tai hại và trực tiếp đưa con người đến bể Khổ.
3. Đức Phật hàm ý “bản ngã” là gì?
Trong khi giảng dạy về vô ngã (無我 ), Đức Phật hàm ý rằng “bản ngã” nào cũng không có thực tại cố hữu và thường trực (thường tại). Nhưng nó phát sinh trong tùy thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh.
Vô ngã liên tục biến đổi theo theo các điều kiện biến đổi. Và nó sẽ thôi hiện hữu trong hình thức mà nó đang có vào lúc chết.
Theo lời giảng của Đức Phật, bản ngã được mô tả là sự hợp thành của “ngũ uẩn”. Đó là năm nhóm yếu tố tích tụ, hòa hợp làm thành toàn bộ thân tâm con người. Chúng che khuất chân lý. Khiến cho mỗi người dấn thân vào khổ não luân hồi.
“Bản ngã” không có thực tại cố hữu và thường trực mà phát sinh trong tùy thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh
Năm “uẩn” hợp thành bản ngã là:
#1. Sắc uẩn: Sắc thân. Chỉ chung mọi thứ vật chất hữu hình. Chỉ sự nhận biết mình có thân và 6 giác quan.
#2. Thụ uẩn: Cảm giác. Tức là toàn bộ các cảm giác, cảm nhận sự thay đổi xung quanh. (Không phân biệt chúng là dễ chịu hay khó chịu.)
#3. Tưởng uẩn: Tưởng tượng. Tức là nhận biết sự khác biệt. (Như màu này khác màu kia, mùi này khác mùi kia, âm thanh…)
#4. Hành uẩn: Các hành tướng của tâm. Hành là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước 1 quyết định. Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác.(Gồm Thân, Khẩu, Ý). Tác dụng về mọi thứ thiện ác như tham sân si…của tâm đối với cảnh. Như: đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác….
#5. Thức uẩn: Nhận thức, ý thức. Sự nhận thức nhờ mặc định. Mặc định cái này chua, mặc định cái kia đắng. Mặc định cái nọ màu lạnh, mặc định cái kia nóng. Rồi cái này lợi, cái kia không… Đây cũng là bước chuyển tiếp của tưởng uẩn và hành uẩn. Từ cảm nhận sự khác biệt rồi suy tư cân nhắc xem mức độ khác biệt như thế nào. Cho đến định nghĩa sự khác biệt bằng những danh từ hay tên gọi cho từng sự vật, sự việc, hiện tượng…
Nếu lấy con người mà xét thì Sắc uẩn chính là Thân, còn ba uẩn kia là Tâm. Trong Tâm có Thụ, Tưởng, Hành. Còn Thức thì từ diễn tiến liên hợp giữa Thân và Tâm.
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc của chúng sinh. Vì chỉ có Phật hay A-la-hán (các bậc giác ngộ) mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của năm uẩn này là: Vô thường, Vô ngã và Khổ.
Cơ chế hoạt động của bản ngã trong con người
#1. Kiểm soát
Bản ngã tự đồng hóa và định nghĩa bản thân bằng những gì mà nó tin rằng nó đang kiểm soát.
Ví dụ:
+ Bạn tin rằng bạn điều khiển cơ thể, nên bạn cũng cho rằng cơ thể đó là bạn.
+ Bạn tin rằng bạn điều hành công ty bạn, nên công ty là của bạn. Là một phần cái tôi của bạn.
+ Bạn tin rằng bạn điều khiển tâm trí bạn nên nghĩ rằng tâm trí đó là bạn.
+ Bạn kiểm soát đứa con của mình nên bạn cho rằng đó cũng là một phần bản ngã bạn.
#2. Xây dựng và duy trì
Với những gì bản ngã kiểm soát, nó luôn muốn giữ vững, bảo vệ sự kiểm soát đó. Thậm chí còn muốn bành trướng hơn.
Bản chất của bản ngã cũng chỉ là giả tạm và hư cấu. Cho nên nó muốn kiểm soát được càng nhiều thứ càng tốt. Nhờ đó mà nó cảm thấy mình lớn mạnh và chân thực hơn. Đó cũng chính là lý do mà chúng ta luôn ham muốn tiền bạc và quyền lực. Bởi khi đó chúng ta cảm giác mình kiểm soát được mọi thứ. Và sự mất kiểm soát cũng tương đương với sự chết chóc của bản ngã.
Bản ngã làm tất cả để xây dựng và duy trì sự kiểm soát
Ví dụ:
+ Bạn mất một đồ vật có giá trị hoặc bạn bị mất việc. Khi ấy, có phải bạn cảm thấy mình như chết đi và trống rỗng hơn bao giờ hết.
+ Hoặc là một vị tướng đã đồng hóa bản thân với đội quân của mình. Đến khi mất toàn bộ binh lính thì coi như ông ta cũng đã chết 99% và lập tức tự sát.
Đó chính là vì: Bản ngã làm tất cả để xây dựng và duy trì sự kiểm soát.
#3. Phản chiếu
Bản ngã không thể tự đánh giá cũng như nhìn nhận chính bản thân nó. Điều này cũng giống như việc bạn không thể tự mình nhìn thấy gương mặt của mình mà không thông qua một tấm gương.
Bản ngã tin và tạo ra vô số bản ngã, cá thể riêng lẻ khác
Vì thế bản ngã tin và tạo ra vô số bản ngã, cá thể riêng lẻ khác. Từ đó, nó tự đánh giá mình qua sự phản chiếu của người khác. Hay biểu đạt một cách khác, bạn thường rất để tâm tới những lời nhận xét, đánh giá của người khác.
(Người bình thường có thể nhận ra cơ thể thực và không gian tưởng tượng. Tuy nhiên, người có dấu hiệu tâm thần không thể phân biệt nổi điều này. Họ bị phân mảnh bản ngã.)
Ví dụ:
+ Bạn đăng những tấm ảnh cá nhân lên mạng. Và mong muốn mọi người chú ý đến và khen bạn. Cho bạn biết rằng bạn đẹp, bạn thời trang, bạn đang có cuộc sống hạnh phúc, giàu có,…
+ Hay bạn làm được một thành công gì đó. Mang ra chia sẻ, người khác sẽ cho bạn biết rằng bạn tài giỏi, thông minh và có giá trị.
Càng nhận được nhiều sự chú ý và những phản chiếu từ người khác thì bản ngã càng cảm thấy mình chân thực hơn.
Các hình ảnh phản chiếu trở nên không tốt đẹp, bản ngã cảm thấy xấu hổ và bị chối bỏ
Và khi các hình ảnh phản chiếu trở nên không tốt đẹp, bản ngã cảm thấy xấu hổ và bị chối bỏ. Nó thậm chí sẽ vùng lên để khẳng định sự tồn tại của mình. Vì thế mà mọi người thường làm tất cả để xây dựng cũng như duy trì hình tượng bản thân.
Vượt qua bản ngã bằng cách nào?
Như phần đầu tiên, Wiki Hạnh Phúc đã đề cập đến hiểu lầm về bản ngã. Có thể bạn đã hình dung một số điều gì đó. Nhưng do nó đã gắn với bạn quá lâu, nên mọi thứ dường như trở nên khá khó hiểu.
Bản ngã của con người sẽ luôn tồn tại. Thậm chí lớn mạnh nếu như bạn không kiềm chế vượt qua nó. Bản ngã chính là căn nguyên của mọi vui buồn, đau khổ, áp lực trong cuộc sống. Vậy cớ làm sao chúng ta cứ bám chấp vào đó làm gì phải không nào?
Trong Thiền tông, người ta sử dụng phương pháp Tọa thiền để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn nêu trên. Trong quá trình tu tập dưới sự hướng dẫn của một vị Thiền sư, Lão sư, người ta có thể dần dần vượt khỏi sự khống chế của cái “Ngã”, tiêu diệt “Ngã”. Hay, chính xác hơn là vượt khỏi cái “ý nghĩ sai lầm là có tự ngã“. (Bởi vì, nhìn theo khía cạnh tuyệt đối thì người ta không thể tiêu diệt một cái gì không có thật, chưa hề có thật như cái “Ngã”.)
(> Bạn có thể tìm hiểu thêm về thiền trong bài viết: Thiền là gì? Người bình thường có thiền được không?)
Ngoài ra, cơ chế bản ngã đề cập ở trên đây đã gợi mở cho chúng ta các keyword để “hạ” cái tôi này xuống. Đi ngược lại chúng. Hy vọng bạn đã nhận ra!
Kết luận về chủ đề “Bản ngã là gì?”
Có một điều rất hay xin trích dẫn ở đây:
“Bản ngã từ hư không mà đến. Và cũng sẽ phải trở về hư không. Trong thời gian tồn tại nó sợ hãi sự trống không nên cố gắng làm tất cả để lấp đầy. Nhưng tất cả cũng chỉ như nỗ lực nắm lấy cơn gió. Hãy biết dừng lại, vượt qua cái tôi để mọi thứ trở nên hoàn hảo và tốt đẹp hơn!”
Đôi khi chúng ta sẽ nghe thấy đâu đó những điều tương tự rằng:. “Đừng sống với cái tôi quá lớn.” Hay “Cái tôi cao quá sẽ đánh mất những người xung quanh mình”. “Bỏ cái tôi đi, bạn sẽ hạnh phúc”….
Phải chăng khi đọc đến đây, bạn đã hiểu những điều này? Mọi thứ trong vũ trụ này đều tuân theo những quy luật bất biến. Đó là chân lý mà bất cứ học thuyết hay phương pháp tu tập nào cũng đề cập tới. Và cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Không có bất cứ thứ gì gọi là “thường còn”. Và “cái tôi” mà chúng ta vẫn đang lầm tưởng là chính mình cũng như vậy!
Mong rằng bài viết “bản ngã là gì” mang đến nhiều điều giá trị tới bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết!
Nguồn: Jenny biên tập và tổng hợp từ Thư viện Hoa Sen, Phatgiao.org.vn và các nguồn khác
Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!
Thân ái,
Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com
Ủng hộ mình tại Channel: Wiki Hạnh Phúc . Rất vui khi có duyên được trò chuyện cùng bạn!
Xem thêm:
>> Chiết tự chữ Trí Tuệ (智慧) trong Tiếng Hán | Chiết tự chữ Hán