Chữ Trí tuệ trong tiếng Hán là gì? Trí Tuệ thường xuyên được nhắc đến trong Đạo Phật và đời sống thường ngày của chúng ta. Ẩn chứa trong đó là những ý niệm vô cùng sâu sắc. Vậy, viết chữ trí và chữ tuệ ra sao? Bài học gì tiền nhân muốn nhắc nhở chúng ta về “trí tuệ”? Cùng Wiki Hạnh Phúc tìm hiểu chiết tự chữ Hán của từ này trong bài viết dưới đây.
📌 Hashtag: #Chiết tự
Xem thêm:
>> [Review Sách] Luật Hấp Dẫn – Cuốn sách cần trên con đường phát triển tâm thức
>> Bản ngã là gì? Đi từ chiết tự chữ Hán đến quan điểm trong Đạo Phật
Chữ Trí tuệ trong tiếng Hán là gì?
“Trí Tuệ” trong tiếng Hán là 智慧. Có nghĩa sự hiểu biết minh bạch và tường tận, thông thái, sáng suốt, khôn ngoan.
Cũng như các bài viết trong chủ đề Chiết tự chữ Hán, việc chiết tự vừa giúp chúng ta hiểu nghĩa, lại vừa ghi nhớ được lâu hơn. Trong bài viết này, mình sẽ cùng bạn đi từ chiết tự chữ trí và chữ tuệ. Sau đó, ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa chữ trí tuệ trong Đạo Phật.
Nhẫn thể hiện bản lĩnh của con người – Thầy Thích Phước Tiến
Chiết tự chữ Trí Tuệ 智慧 trong chữ Hán
Chiết tự chữ Trí 智
Chữ Trí (智) trong tiếng Hán nghĩa là sự sáng suốt hiểu biết, không bị u mê ngăn che.
Trí (智) được tạo thành bằng cách ghép chữ Tri (知) và chữ Nhật (日). (Trong đó phần lấy âm là chữ Tri).
Trong đó, Tri (知) có nghĩa là biết, hiểu. Biểu thị cái hiểu biết nhanh nhẹn như Mũi tên (Thỉ : 矢) bay từ Miệng (Khẩu : 口) người này sang người kia.
Còn Nhật (日) chỉ sự sáng suốt tỏ rõ tựa như ánh mặt trời.
Cứ như vậy cộng lại, Trí (智) có nghĩa là không chỗ nào, không việc gì là không biết. Ngoài ra, Trí cũng còn được giải thích là thông rành sự lý, nhiều mưu lược, biết biến xảo linh hoạt sâu xa.
Chiết tự chữ Tuệ 慧
Chữ Tuệ (慧 ) trong tiếng Hán nghĩa là trí thông minh, tài trí, khôn, sáng trí, lanh lẹ, mẫn tiệp.
Tuệ (慧 ) được ghép từ chữ Tuệ 彗 và chữ Tâm 心. (Chữ Tuệ 彗 cũng là phần lấy âm).
Trong đó, chữ Tuệ 彗 có nghĩa là cái chổi quét. Chữ Tuệ 彗 này được chiết tự như sau:
Lấy những sợi rơm cỏ (Phong : 丯) cột bó lại thành cái chổi rồi dùng tay cầm đưa đi đưa lại (biến thể của Hựu : ョ : 又) mà quét.
Như vậy, Tuệ (慧 ) có ý là hướng cái chổi 彗 vào tâm 心 để quét cho sạch những bụi bặm làm mờ ám tâm trí ta. Nếu tâm không tốt, còn nhiều bụi bặm dơ bẩn, không dùng cái chổi để quét dọn sạch sẽ, thì làm sao có tuệ? Nếu cái chổi này được hoạt động liên tục thì tâm trí được tĩnh lặng, minh mẫn sáng suốt.
Tổng hoà lại, Trí Tuệ 智慧 trong chữ Hán có nghĩa gì?
Trí 智 dùng để chỉ tài năng. Tài năng đó có thể là thiên bẩm, có thể là nhờ học hành mà biết. Cũng có thể do rơi vào hoàn cảnh khốn khó tìm được cách vượt qua mà biết. Nhưng điều đáng nói hơn là Trí 智 lại đi với Tuệ 慧.
Một người thông minh, hiểu biết lại có một cái tâm sáng. Biết đúng sai phải trái. Luôn biết chú ý tới hành vi của bản thân, có ý thức trách nhiệm. Biết hổ thẹn khi làm điều sai trái. Luôn lo sợ nhân cách, phẩm chất của bản thân mình bị vấy bẩn. Vậy thì há chẳng phải là người tài đức vẹn toàn sao?
Cũng có thể hiểu rằng tâm trong sạch thì mở đường cho trí tuệ phát triển. Một khi tâm niệm không trong sạch thì trí tuệ sẽ gặp trở ngại.
Ý nghĩa của Trí Tuệ trong Đạo Phật
“Trí tuệ” là một thuật ngữ thường xuyên được nhắc đến trong Đạo Phật. Tuy nhiên, để tránh nhầm lẫn, chúng ta cần phân biệt trí tuệ với trí thông minh thông thường.
Trí thông minh có những đặc tính gì?
Trí thông minh thông thường đề cập đến sự hiểu biết, khả năng cảm nhận, logic và suy luận diễn đạt của mỗi cá thể với môi trường xung quanh. Nó đề cập đến khả năng tiếp thu của một cá nhân và sau đó áp dụng các kỹ năng và kiến thức. Và thể hiện ra kết quả đạt được thành công bên ngoài.
Trí thông minh xuất phát từ đâu?
Trí thông minh được chia thành rất nhiều loại. Có người thông minh về cảm xúc, về toán học, về văn hoá, về thể thao…Tất cả mọi người đều có các trí thông minh như vậy.
Mặc dù vậy, trí thông minh phát sinh từ tri thức, kinh nghiệm và cảm nhận của các giác quan đối với mọi thứ bên ngoài. Nó cũng phụ thuộc vào điều kiện giáo dục. Nên có thể thấy trí thông minh giữa mọi người là khác nhau.
Trí thông minh được thừa hưởng từ trải nghiệm trong quá khứ. Vì vậy, chúng ảnh hưởng đến sự áp dụng và vận hành của mỗi cá thể trong hiện tại và tương lai. Nó thể hiện ra bằng sự nhanh nhạy, giải quyết được các vấn đề, thậm chí là sáng tạo trong quá trình làm việc.
Nói như vậy tức là trí thông minh mang dấu ấn cá nhân rất mạnh. Đây cũng chính là điểm khác biệt quyết định giữa trí thông minh và trí tuệ.
Trí tuệ trong Phật giáo có ý nghĩa gì khác?
Trí tuệ trong Phật giáo được định nghĩa là một khả năng, một phẩm tính của tâm thức. Nó gắn liền với dòng tiếp nối liên tục của tâm thức. Giúp nhìn thấy hay quán thấy được bản thể đích thực và tối hậu của mọi hiện tượng. Hay nói nôm na là thấy được bản chất thật của sự vật, hiện tượng.
Theo quan điểm Đạo Phật, trí tuệ bản chất của nó là trống không, trong sáng và rạng ngời.
Nếu như “trí thông minh” là để giải quyết các vấn đề bên ngoài. Ví dụ như giải bài toán khó, mổ thành công một ca mổ, trở thành giáo sư đại học, hoàn thành một dự án…
Thì “Trí tuệ” là cảnh giới tâm thức của mỗi người. Là cái nhìn đầy đủ hơn về cả bên ngoài lẫn bên trong. Trí tuệ hướng đến sự bình an sáng suốt bên trong. Nó là sự kết hợp giữa kiến thức tích lũy của một người và khả năng tổng hợp kiến thức này bằng sự hiểu biết đạo đức của họ về thế giới.
Các sắc thái của “trí tuệ” trong kinh điển Đạo Phật
Có thể bạn cũng đã biết rằng, có nhiều nhánh Phật Giáo khác nhau. Quan điểm của mỗi nhánh này có đôi chút khác biệt.
Đối với Nam tông, Trí tuệ được định nghĩa như là một sự hiểu biết căn bản. Nó chủ yếu mang tính cách minh bạch và đúng đắn gọi là “Chính kiến”. Tức là “con đường” thứ nhất trong Bát chính đạo.
Còn đối với Đại thừa Phật giáo thì khái niệm “Trí tuệ” được khai triển phức tạp hơn.
Riêng với Phật giáo Tây tạng thì chữ Jnana (Trí tuệ) được dịch là Yé shes. Có nghĩa là “Sự hiểu biết chủ yếu”.
Các khái niệm về Trí tuệ trong Đại thừa
Đối với Bắc tông, nhất là học phái Duy thức tông và theo như các tập luận Đại thừa trang nghiêm kinh luận (Mahayanasutralankara), Phật địa kinh luận (Buddhabhumisastra)…, thì Trí tuệ gồm có bốn sắc thái khác nhau.
1- Đại viên kính trí (Trí tuệ giống như một tấm gương):
Chỉ định thể dạng hiểu biết phi lý luận của Trí tuệ, không còn phân biệt chủ thể và đối tượng nữa. Có nghĩa là không còn một ý nghĩ nào liên quan đến chủ thể nhận biết. Cũng không có một ý nghĩ nào liên quan đến đối tượng được nhận biết.
Trí tuệ ấy cảm nhận trực tiếp được cả hai bản chất tương đối và tuyệt đối của mọi hiện tượng một cách chính xác, mà không kèm thêm bất cứ một sự diễn đạt (phán xét) nào của tâm thức.
Trong đó, bản chất tương đối của một hiện tượng là tính cách lệ thuộc, biến động và vô thường. Còn bản chất tuyệt đối của nó là Tánh không.
Như vậy, Trí tuệ là một căn bản hay cơ sở hiểu biết tuyệt đối, trong sáng, tinh khiết và hoàn hảo, không bị hoen ố hay ô nhiễm bởi bất cứ một bóng dáng nào của dục vọng hay si mê.
Vì thế mà loại Trí tuệ như vừa mô tả trên đây được tượng trưng bằng một tấm gương lớn. Phản ảnh một cách trung thực và trong sáng tất cả mọi hiện tượng đúng với bản chất của chúng.
Kinh sách còn cho biết là thể dạng này của Trí tuệ chỉ có thể đạt được bằng thiền định. Khi hành giả đạt được thức thứ tám là A-lại-da thức.
2- Bình đẳng tính trí (Trí tuệ bình đẳng):
Sắc thái này chỉ khả năng cảm nhận và quán thấy tính chất bình đẳng của tất cả mọi chúng sinh trong tinh thần Đại từ bi.
Trí tuệ bình đẳng có nghĩa là không còn phân biệt người thân kẻ lạ, một chúng sinh hiền lành với một chúng sinh hung dữ. Tất cả đều khơi động trong ta một lòng từ bi ngang nhau. Sự khác biệt chỉ tùy thuộc vào nhu cầu, khả năng và hoàn cảnh của từng chúng sinh mà thôi.
Trí tuệ bình đẳng hiển lộ khi đạt được cấp bậc thiền quán thứ bảy, tức một thể dạng xóa bỏ được sự phân biệt giữa “cái tôi” và “người khác”. Không còn bám chấp vào cái tôi nữa. Đồng thời quán thấy được thực chất của mọi hiện tượng. Không còn câu nệ vào nghi thức lễ lạc, phát lộ được lòng từ bi không phân biệt.
Tất cả những phẩm tính đó mang lại sự hân hoan vô biên trong lòng người cũng tượng trưng cho Trí tuệ bình đẳng và không kỳ thị.
3- Diệu quan sát trí (Trí tuệ phán đoán hay suy xét):
Sắc thái Trí tuệ này giúp phân định rành mạch các đặc tính nào cá biệt cho mỗi hiện tượng và các đặc tính nào đồng nhất cho tất cả mọi hiện tượng. Chẳng hạn như hình tướng là đặc tính dị biệt hay cá biệt của một hiện tượng và vô thường là đặc tính chung của tất cả mọi hiện tượng.
Trí tuệ phán đoán có hai sắc thái khác nhau:
Thứ nhất là quán nhận được vô ngã của cái tôi.
Thứ hai là quán nhận được vô ngã của mọi hiện tượng.
Sự quán thấy vô ngã của cái tôi là quan điểm chung cho cả Nam Tông và Bắc tông, trong khi đó bản tính vô ngã của tất cả mọi hiện tượng tức là của tất cả mọi sự vật và mọi biến cố là chủ trương riêng của Phật Giáo Đại thừa.
Trí tuệ phán đoán thường được so sánh như một kho báu thu góp những gì đạo hạnh còn gọi là đà-la-ni (dharani). Có nghĩa là “thâu nhiếp tất cả”, giống như một đám mây tưới xuống những cơn mưa Phật pháp. Trí tuệ phán đoán hiển hiện trong cấp bậc thiền quán hay tri thức thứ bảy.
4- Thành sở tác trí (Trí tuệ thực hiện được tất cả):
Chỉ Trí tuệ thường xuyên hướng vào ước vọng mang lại sự an vui cho chúng sinh. Trí tuệ thực hiện được tất cả phát hiện và chuyển thành hành động để thực hiện được tất cả mọi sự mong muốn và thấu hiểu được tất cả những gì nên làm và cần phải làm. Trí tuệ này biểu hiện cho Ứng thân (Nirmanakaya) của một vị Phật. Đấy là một loại Trí tuệ sẽ biến thành hành động vì thế nên có tính cách ngắt quãng. Và sẽ đạt được khi cấu hợp tri thức liên quan đến năm giác cảm đã hoàn toàn được tinh khiết hóa, giúp cho người Bồ tát trở thành một vị Phật.
Trí tuệ trong cấp bậc Ứng thân Phật như vừa trình bày còn gọi là Trí tuệ toàn năng hay siêu nhiên. Trí tuệ này có hai thể dạng:
Thứ nhất là quán nhận được hiện thực đúng như thế. Tức là quán nhận được Tánh không của tất cả mọi hiện tượng.
Thứ hai là thể dạng nắm bắt được hiện thực, dù cho nó biểu hiện dưới bất cứ thể dạng nào cũng thế.
Sắc thái thứ 5 của trí tuệ cũng được nhắc đến
Riêng trong tập luận Pháp số danh tập kinh dị bản của Đại thừa thì ngoài bốn cấp bậc Trí tuệ trên đây còn mô tả thêm một sắc thái Trí tuệ nữa.
Gọi là “Trí tuệ thuộc không gian của tất cả các hiện tượng (dharma) mang tích cách tích cực và đã được tinh khiết hóa”.
Thể dạng quán nhận này được xếp vào cấp bậc thứ năm. Tức là cấp bậc cao hơn hết của Trí tuệ và gọi là Pháp giới trí. Là một cấp bậc Trí tuệ siêu việt và tối thượng. Tương ứng với Pháp thân của một vị Phật.
Đối với Đại thừa nói chung thì muốn đạt được Trí tuệ tột cùng (cấp bậc bốn hay năm) để thành Phật thì phải mất “ba thời gian vô tận”. Có nghĩa là 3×10*59 mahakalpa. (Mỗi mahakalpa là một đại kiếp, kalpa là một kiếp, mỗi kiếp tượng trưng cho một thời gian thật dài bao gồm cả bốn giai đoạn sinh, thành, hoại, diệt của một thế giới).
Các sắc thái trí tuệ này có ý nghĩa gì?
Cách trình bày hay cách “phóng đại” trên đây của kinh sách ngụ ý cho biết là việc tu tập sẽ kéo dài bất tận. Không biết bao giờ mới thành Phật.
Mục đích là tập cho người tu hành khi bước vào con đường Đại thừa phải thật kiên nhẫn. Tu tập mà không bao giờ nên trông chờ hay nghĩ đến việc sẽ “thành Phật”.
Tuy nhiên việc “phóng đại” này trên một khía cạnh nào đó cũng có thể làm cho một người tu tập bình thường mất hết tự tin nơi khả năng Trí tuệ của mình. Trong khi đó đối với Kim cương thừa thì một hành giả có thể thành Phật sau vài kiếp tu, hoặc cũng có thể thành Phật ngay trong kiếp sống này.
Dầu sao đi nữa thì cũng phải hiểu rằng, tu tập bất tận là lý tưởng của người Bồ tát. Bên trong cái lý tưởng đó đã hiển hiện sẵn một cách kín đáo Trí tuệ của một vị Phật.
Kết luận về chữ Trí Tuệ trong tiếng Hán
Như vậy, chữ “Trí tuệ” dù đã rất sâu sắc trong chiết tự tiếng Hán. Nhưng khi nghiên cứu về Đạo Phật, trí tuệ còn mang nhiều sắc thái và tầng bậc khác nhau.
Dù là gì đi chăng nữa, trí tuệ vẫn là một thứ chúng ta cần không ngừng tôi luyện, không ngừng học tập. Qua đó có thể lựa chọn cho mình được những con đường tốt và bước đi vững chắc trong đường đời. Hy vọng rằng, những thông tin trên đây hữu ích với bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết.
Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!
Thân ái,
Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com
Ủng hộ mình tại Channel: Wiki Hạnh Phúc . Rất vui khi có duyên được trò chuyện cùng bạn!