Vô minh là gì? Khi bắt đầu tìm hiểu về Đạo Phật, ắt hẳn bạn sẽ bắt gặp từ này rất nhiều. Dù có rất nhiều giải nghĩa tương ứng với nhiều tông phái khác nhau. Nhưng bài viết này, mình muốn bắt đầu từ chữ viết trước. Bởi hiểu được chữ viết sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận các ý nghĩa sâu xa.
📌 Hashtag: #Chiết tự
Xem thêm:
>> [Review Sách] Luật Hấp Dẫn – Cuốn sách cần trên con đường phát triển tâm thức
>> Bản ngã là gì? Đi từ chiết tự chữ Hán đến quan điểm trong Đạo Phật
Vô minh trong chữ Hán là gì?
Vô minh là 無明 trong chữ Hán.
Thông thường, khi tìm hiểu nghĩa chữ Hán, bạn có thể tìm tài liệu chiết tự chữ Hán. Nó vừa giúp bạn hiểu nghĩa, vừa giúp bạn nhớ chữ viết được lâu hơn. Vậy chiết tự của chữ Vô minh (無明) như thế nào?
Nhẫn thể hiện bản lĩnh của con người – Thầy Thích Phước Tiến
Chiết tự chữ Vô Minh 無明 trong chữ Hán
Chiết tự chữ Vô 無
Chữ Vô 無 có nghĩa là “không”.
Chiết tự chữ Vô như sau:
Trong khi hỏa táng, thây người (亻:人: Nhân) được để trên những thanh củi xếp rồi dùng lửa( 灬 : 火 : Hỏa) đốt. Sau một hồi tất cả đều biến thành tro bụi. Tất cả đều hóa hư không. Không còn gì cả. Ấy nên ghép thành chữ Vô 無, nghĩa là không.
Chiết tự chữ Vô 無 – Không
Chiết tự chữ Minh 明
Chữ Minh 明 trong tiếng Hán có nghĩa là “sáng, tỏ rõ”.
Chiết tự chữ Minh 明 như sau:
Nhật (日 – Ngày, mặt trời) chỉ ánh sáng ban ngày. Nguyệt (月 – Mặt trăng) là ánh sáng ban đêm. Hai thứ ánh sáng này góp lại làm một thì không còn sự “sáng” nào hơn nữa cả. Như vậy cấu thành chữ Minh 明, nghĩa là sáng, sáng tỏ.
Chiết tự chữ Minh 明
Vậy Vô minh (無明) nghĩa là gì?
Với các chiết tự như vậy, Vô minh (無明) có nghĩa là không sáng. Không sáng tức là trong tối. Mà trong tối thì mọi sự mù mờ. Có khi vật ngay trước mặt cũng không nhìn thấy.
Như vậy, vô minh nghĩa là chưa sáng tỏ. Chính bởi chưa sáng tỏ nên hành động thiếu hiểu biết, thiếu trí tuệ.
Tương đồng với ý nghĩa này, Wikipedia có định nghĩa:
“Vô minh chỉ trạng thái u mê, thiếu hiểu biết.”
Vô minh trong Đạo Phật nghĩa là gì?
Bên cạnh các định nghĩa trên, Vô minh được nhắc đến nhiều nhất trong Đạo Phật.
Theo quan điểm Phật giáo, Vô minh chỉ nhận thức sai lầm về bản ngã và thế giới xung quanh. Được xem là gốc của mọi bất thiện trong thế gian. Cũng là một đặc tính của Khổ. Đó là tình trạng tâm thức không thấy sự vật “như nó là”. Cho ảo giác (dòng suy nghĩ của tưởng) là sự thật. Vì vậy sinh ra khổ.
Vô minh xuất phát từ quan điểm chấp trước tiên thiên của ý thức. Từ đó xây dựng lên một thế giới của riêng mình. Cho thế giới đó những tính chất của chính mình và ngăn trở không cho “ta” thấy thế giới đích thật. Tức là không thấy thể tính thật sự, và thể tính đó là tánh Không (Phật Tánh).
Như vậy, vô minh có hai khía cạnh. Và hai mặt này cứ luôn dựa vào nhau. Đó là:
- – Một là nó che đậy thế giới đích thật
- – Hai là nó xây dựng cái ảo ảnh (cái giả).
Đối với Kinh lượng bộ và Tì-bà-sa bộ thì: Vô minh là cách nhìn thế giới sai lạc. Cho thế giới là thường còn, mà thế giới có thực chất là Vô thường (無 常).
(Phần này càng tìm hiểu sâu về Đạo Phật, có lẽ bạn sẽ hiểu càng rõ hơn)
Ấy mới thấy người xưa dùng từ với hàm ý rất sâu xa, thâm thúy. Trong từ có nghĩa. Từ nghĩa mà chiết ra bài học cho đời.
Giải thích từ “vô minh” một cách gần gũi hơn
Tuy nhiên, khi đọc các tài liệu như thế này, chúng ta phần nào cảm thấy khó hiểu. Nếu vậy, bạn có thể tham khảo video dưới đây của thầy Ngô Minh Tuấn.
Cái hay của thầy Tuấn là biến những ngôn từ khó hiểu của Đạo Phật, thành điều dễ mường tượng với bất cứ ai. Trong đó, thầy cũng đưa ra gốc rễ và cách thoát khỏi vô minh. Hãy cùng nghe nhé!
Vô Minh là gì? Cách thoát khỏi vô mình phiền não – thầy Ngô Minh Tuấn
Trên đây là chiết tự chữ Vô Minh (無明) trong chữ Hán. Với một vài gợi mở trên, mình hy vọng, bạn đã dần vén màn được ý nghĩa của từ ngữ này. Mong rằng bài viết hữu ích với bạn!
Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!
Thân ái,
Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com
Ủng hộ mình tại Channel: Wiki Hạnh Phúc . Rất vui khi có duyên được trò chuyện cùng bạn!