Sai lầm khi theo đuổi tự do tài chính sẽ khiến bạn mất nhiều hơn được. Tự do tài chính là một chủ đề rất rộng. Và cũng là đích đến mà nhiều người trong chúng ta đang phấn đấu. Dù biết rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất. Nhưng tiền lại là công cụ giúp bạn tiến tới những gì bạn mong muốn một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đang đi đúng hướng. Và phần lớn mọi người đều dễ rơi vào 3 bẫy quản lý tài chính sau đây. Cùng Wiki Hạnh Phúc tìm hiểu nhé!
Hashtag: Quản lý tài chính cá nhân
Xem thêm:
>> Chiến lược đầu tư chứng khoán của Warren Buffett dạy chúng ta những gì?
>> 4 Chữ “vàng” trong Quản lý Tài chính Cá nhân mà rất ít người biết!
3 Sai lầm gây cản trở hành trình tự do tài chính của bạn!
Khi theo đuổi tự do tài chính, không ít người sẽ lạc đường. Có người chỉ mải kiếm tiền mà lại quên tiết kiệm. Có người thì tiết kiệm nhưng lại thiếu kỷ luật. Hoặc đâu đó cũng có người đầu tư nhưng lại chọn con đường không phù hợp với mình. Cả ba vấn đề trên đều có thể phá tan mọi cố gắng của bạn.
Phần lớn mọi người đều dễ rơi vào 3 bẫy quản lý tài chính sau đây
Sai lầm 1: Mải mê kiếm tiền mà quên đi tiết kiệm
Mình cá rằng, sẽ không ít lần bạn vô tình gặp phải ý kiến rằng:
“Thay vì tiết kiệm, hãy nghĩ cách kiếm được thật nhiều tiền hơn đi!”
Đây là sai lầm đầu tiên trên con đường quản lý tài chính cá nhân. Nếu bạn chỉ nghĩ đến cách làm sao để kiếm nhiều tiền nhất nhưng lại đánh giá thấp sức mạnh của tiết kiệm, thì khả năng bạn đang theo đuổi đồng tiền một cách không lành mạnh.
Việc chỉ đặt thu nhập làm trọng tâm có 4 điểm tiêu cực như sau:
#1. Khiến bạn khó lòng tìm được một công việc thật sự yêu thích vì tiêu chí tiền lương được đặt lên hàng đầu;
#2. Công việc trở thành trọng tâm trong cuộc sống của bạn. Nó sẽ chi phối mọi hoạt động sống và khiến bạn lệ thuộc vào nó.
#3. Làm ra bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Đây là điểm cực kỳ nguy hiểm. Nó bòn rút tài chính của bạn. Đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy kiệt quệ vì dù có kiếm được bao nhiêu cũng không đủ để tự do tài chính.
#4. Khi lạm phát xảy ra, cuộc sống của bạn sẽ khó khăn hơn nhiều. Bởi giá cả thì tăng phi mã mà thu nhập vẫn không thay đổi.
Từng bước xây dựng tự do tài chính từ tiết kiệm
Chắc chắn rồi, nếu bạn có cho mình một kế hoạch quản lý chi tiêu và tiết kiệm mỗi tháng thì bạn sẽ dư ra được nhiều tiền hơn. Phần tiền này sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây nên công trình tự do tài chính của bạn.
Vấn đề là: Bạn quên tiết kiệm?
Nhưng bạn biết đấy, tiết kiệm nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì không hề đơn giản. Và ngay lúc này, có một thứ bạn cần phải xây dựng ngay lập tức. Đó là “kỷ luật tài chính”.
Sai lầm 2: Thiếu kỷ luật tài chính trong quản lý chi tiêu
Gần như đối với bất cứ mục tiêu gì, vật cản lớn nhất lại chính là bản thân bạn. Nếu bạn không thể chiến thắng “ham muốn” mua sắm, thì chắn chắn rằng sẽ cực kỳ khó khăn để bạn đạt được mục tiêu tài chính.
Dù rằng, khi mới bắt đầu năng lượng bùng nổ khiến bạn say mê hàng giờ với bản kế hoạch chi tiêu tiết kiệm thật hoành tráng. Nhưng bất chợt một món hàng sale bạn thích bật ra ngay trước mắt và “cuốn bay” mọi dự định vừa vạch ra. Nếu bạn từng rơi vào hoàn cảnh ấy, thì bạn đang thiếu kỷ luật tài chính đó.
Kỷ luật tài chính là chìa khoá giúp bạn giải quyết vấn đề này. Trước tiên, hãy đặt ra các quy tắc tài chính cá nhân và đừng bao giờ vi phạm nó. Bạn có thể tham khảo một số tip sau:
# Thiết lập ngân sách và chia chúng vào các tài khoản ngay khi kiếm được tiền
Ngân sách giúp bạn cân đối giữa nhu cầu thiết yếu, nhu cầu tận hưởng cuộc sống và tiết kiệm.
Để tránh trường hợp “thâm hụt” vào ngân sách dành cho tiết kiệm và đầu tư, hãy “giấu” chúng đi khỏi tầm mắt của bạn. Hãy chia trứng thành nhiều giỏ.
Bạn có thể chia tách tài khoản theo ngân sách đã định
Bạn có thể chia tách tài khoản ngân hàng thành các tiểu khoản khác nhau nếu thuận tiện. Hoặc như mình, chuyển vào các tài khoản ngân hàng khác nhau. Sau đó, “giấu” chúng vào trong tài khoản tiết kiệm online, hoặc tài khoản đầu tư nếu bạn đã lập. Đối với tài khoản Vietinbank, mình có thể đổi tên tài khoản tiết kiệm để phân biệt các khoản tiết kiệm khác nhau nữa.
Sẽ càng thuận tiện hơn khi bạn biến nó thành các lệnh tiết kiệm auto định kỳ trên app.
Và hãy nhớ rằng: Làm ngay khi nhận được lương nhé! Đây cũng là cách áp dụng quy tắc “pay yourself first”. Đừng để bạn có cơ hội tiêu chúng trước khi tiết kiệm nha.
# Kiểm soát chi tiêu
Kiểm soát chi tiêu chưa bao giờ là thừa. Hãy cố gắng bám sát các ngân sách đã đề ra. Hạn chế tối đa các khoản phát sinh ngoài ngân sách. Chỉ mua những đồ thực sự “đáng” và “cần thiết”.
Tăng đầu tư, giảm chi phí là cách đơn giản nhất để bạn có thể bước gần tới tự do tài chính trong tương lai.
Bạn cũng nên chủ động tránh xa các cám dỗ chi tiêu như: Không dùng thẻ credit, tắt thông báo các ứng dụng mua sắm, mang đúng số tiền cần thiết mỗi khi ra ngoài…
# Theo dõi chi tiêu
Nếu có thể, hãy theo dõi chi tiêu càng sớm càng tốt. Kiểm tra lại hàng tháng xem mình đã chi tiêu hiệu quả chưa. Thực ra, đây là bước đơn giản nhưng cực khó duy trì. Vậy nên bạn có thể tách tiền ra thành từng khoản và sử dụng đúng mục đích của chúng nha.
Sai lầm 3: Hành trình tự do tài chính ngày càng xa xôi nếu bạn đầu tư sai cách
Kiếm tiền năng suất và tiết kiệm thông minh là tốt, nhưng chưa đủ để đạt tự do tài chính. Chúng không thể khiến tiền của bạn tăng lên với tốc độ bạn muốn. Đầu tư thông minh là một cách tuyệt vời giúp bạn tăng tốc trên lộ trình của mình. Nhưng việc đầu tư chỉ có ý nghĩa khi bạn chọn đúng hướng và đầu tư đúng cách.
Khi nói đến sai lầm trong đầu tư, các nhà đầu tư cá nhân thường dễ mắc phải 5 sai lầm sau đây:
# Chọn sai hình thức đầu tư
Không phải hình thức đầu tư nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Bởi vậy, bạn cần cân nhắc giữa mục tiêu lợi nhuận, lượng vốn đầu tư, mức độ rủi ro chấp nhận và năng lực đầu tư của bạn. Đừng bao giờ quên đánh giá những tiêu chí này nhé!
Một số hình thức khá an toàn, lại không đòi hỏi vốn lớn mà bạn có thể cân nhắc bao gồm: gửi tiết kiệm, quỹ mở và trái phiếu doanh nghiệp.
Còn nếu bạn sẵn sàng chịu rủi ro cao hơn thì ngoại hối (forex), tiền điện tử, chứng khoán là các gợi ý đáng thử.
Hoặc nếu bạn có lượng vốn lớn hơn nữa thì bạn có thể cân nhắc đầu tư bất động sản, bất động sản cho thuê hoặc các tài sản sưu tầm có giá trị có khả năng tăng giá.
# Không trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng
Như bạn đã biết, trong đầu tư luôn tồn tại yếu tố may mắn. Nhưng đó không phải tất cả. Năng lực đầu tư của bạn vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Mà năng lực lại được vun đắp, mài dũa từ nền tảng kiến thức và quá trình luyện tập của bạn. Không có gì là miễn phí.
Nếu bạn đang bước trên con đường đầu tư, hãy bắt đầu đọc sách tài chính, đầu tư và kinh tế. Để dễ ngấm, ban đầu bạn có thể chọn các cuốn tự truyện, sách kỹ năng thay vì đọc những cuốn giáo trình dày cộp mà không tìm được hứng thú.
Ngoài ra, bạn có thể đăng ký các khoá học online hoặc trực tiếp. Kết hợp tự nghiên cứu trên các website, các kênh Youtube chuyên về đầu tư tài chính.
Và chắc chắn rồi, học phí lớn nhất mà có thể bạn sẽ phải trả đó là các khoản thua lỗ trong quá trình đầu tư. Hãy học hỏi từ những sai lầm của chính mình. Nghiền ngẫm nó, các yếu tố tâm lý hay thiếu kỹ năng nào khiến bạn vấp phải sai lầm đó. Dù sao cũng mong bạn không phải trả học phí quá lớn.
# Đầu tư mà không có chiến lược
Một chiến lược đầu tư không chỉ là phương hướng giao dịch mà còn bao gồm cách quản lý vốn và quản trị rủi ro trong quá trình đầu tư. Nếu không xác định được chiến lược rõ ràng, và quan trọng là phải phù hợp với khả năng của bạn, bạn sẽ dễ bị chi phối tâm lý khi giao dịch dẫn đến các quyết định sai lầm.
Dù bạn chọn lướt sóng, hay đầu tư nắm giữ, không bao giờ có chiến lược tốt hay xấu. Mà chỉ có chiến lược phù hợp. Nó tuỳ thuộc vào sự linh hoạt và khả năng chủ động suy nghĩ của bạn.
# Chỉ bỏ trứng vào một giỏ
Dù ít dù nhiều, hình thức đầu tư nào cũng có những rủi ro riêng. Bởi vậy, việc chỉ bỏ trứng vào một giỏ không phải là lựa chọn sáng suốt khi đầu tư. Hãy chia nhỏ vốn thành nhiều khoản. Nó sẽ giúp bạn phân tán rủi ro và kiếm tiền hiệu quả hơn.
Ví dụ, bạn có số vốn là 200 triệu, sở trường của bạn là chứng khoán thì bạn có thể chi 50% cho chứng khoán, 20% gửi tiết kiệm, 20% trái phiếu doanh nghiệp hoặc quỹ mở, 10% forex hoặc phái sinh…
# Nghe theo Broker hoặc các “thầy đầu tư”
Hãy nhớ rằng, không ai khác ngoài bạn và chỉ có bạn mới là người đưa ra quyết định đầu tư. Bạn có thể học hỏi ở bất cứ đâu, nhưng chỉ có bạn là người chịu trách nhiệm về túi tiền của mình.
Việc nghe theo người khác đầu tư mà không biết tại sao mình nên đầu tư vào đó thì bạn có nguy cơ mất trắng tài sản của mình. Rủi ro đến từ việc bạn không biết mình đang làm gì.
Hơn nữa, nó cũng dẫn đến một tư tưởng sai lầm. Đó là “đổ lỗi”. Khi ấy, bạn chẳng thể học hỏi gì từ sai lầm của bản thân cả.
Mong rằng, bài viết những sai lầm khi theo đuổi tự do tài chính đã mang tới bạn những ý tưởng hữu ích. Chúc bạn giữ được kỷ luật tài chính, hạn chế được các sai lầm và sớm đạt được mục tiêu của mình nha! Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết của mình!
Nguồn: Bài viết được sưu tầm từ VN Direct, Jenny bổ sung và tổng hợp
Cầu chúc bình an và hạnh phúc sẽ đến với bạn và tất cả mọi người!
Thân ái,
Mình là Jenny từ Wikihanhphuc.com
Ủng hộ mình tại Channel: Wiki Hạnh Phúc . Rất vui khi có duyên được trò chuyện cùng bạn!
Xem thêm:
>> Sức khỏe tài chính cá nhân mãi không khá lên được – Đây là 3 nguyên nhân chính